Nửa tháng nay, cuộc sống của anh Quốc Anh , một lao động Việt ở Daegu, gói gọn trong căn phòng trọ nhỏ nằm gần khu công nghiệp cách trung tâm thành phố 10 km. Không còn những ngày đi làm từ sáng tới tối mịt ở nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô, mỗi tuần anh chỉ ra ngoài đi chợ một lần mua thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu rồi lại nhanh chóng về nhà.
"Sau khi Covid-19 bùng phát mạnh, các đối tác tạm ngừng đặt hàng khiến công ty tôi phải đóng cửa, công nhân nghỉ làm không lương, không rõ đến khi nào được đi làm lại", anh Quốc Anh nói. "Tôi đang tìm công việc làm tạm nhưng chưa có".
Người dân xếp hàng mua khẩu trang tại một hiệu thuốc ở thành phố Daegu hôm 27/2. Ảnh: AFP |
Gần 3 năm sang Hàn Quốc, đây là lần đầu tiên anh rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" này. Chi phí sinh hoạt ở vùng ngoại ô Daegu không quá đắt đỏ so với mặt bằng chung tại Hàn Quốc nên anh thường gửi phần lớn thu nhập hàng tháng về quê để bố mẹ và vợ con trang trải cuộc sống, chỉ giữ lại phần nhỏ lo cho bản thân. Dịch bệnh xuất hiện bất ngờ khiến anh bị mất nguồn thu nhập, thậm chí phải vay tiền của một số đồng hương.
Người thân ở quê nhà Thái Bình ngày nào cũng gọi điện sang bày tỏ lo lắng và động viên về Việt Nam, nhưng anh Quốc Anh vẫn quyết ở lại Daegu. Thành phố lớn thứ tư Hàn Quốc với 2,5 triệu dân hiện là tâm dịch khi chiếm hơn 4.000 ca trong số hơn 5.000 ca nhiễm nCoV tại nước này, trong đó khoảng 60% số ca liên quan tới giáo phái Tân Thiên Địa. Các trường học đã được yêu cầu đóng cửa và hoãn học kỳ mùa xuân. Trung tâm thương mại, tụ điểm công cộng ngừng hoạt động, các sự kiện tập thể bị hủy.
"Cuộc sống bấp bênh nhưng tôi không trở về, bởi đã xác định sang đây đi làm để cải thiện kinh tế cho gia đình", anh nói. "Dịch bệnh đáng sợ nhưng không nên hoang mang, cần hiểu rõ nó để chủ động phòng tránh".
Hàng ngày, anh nhận được rất nhiều tin nhắn từ cơ quan y tế địa phương khuyến cáo về cách thức phòng ngừa Covid-19. Anh tự cách ly ở nhà, chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người và cũng không còn đi lễ nhà thờ.
"Cuộc sống ở đây vẫn diễn ra bình thường, chỉ xáo trộn chút ít. Các cửa hàng, siêu thị vẫn hoạt động để người dân tiện mua sắm dù lượng khách thưa hơn. Giá cả không biến động nhiều, trừ mặt hàng khẩu trang lúc nào cũng khan hiếm", anh cho hay.
Hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam tại Hàn Quốc, riêng tại thành phố Daegu là hơn 8.200 người, bao gồm du học sinh, lao động và phụ nữ kết hôn với chồng bản địa.
Anh Quốc Anh cho hay nhiều lao động Việt cũng rơi vào cảnh nghỉ việc không lương do công ty đóng cửa trong đợt dịch này. Các lao động có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đều bám trụ Daegu với mong muốn chờ việc và tự cách ly thay vì tốn một khoản tiền về nước và cách ly 14 ngày theo quy định phòng chống Covid-19.
Cũng chọn ở lại tâm dịch nhưng may mắn hơn người đồng hương, anh Trần Xu vẫn đi làm Công ty dịch thuật Sài Gòn 247 Blog bình thường và có thu nhập dù dịch bệnh bùng phát.
"Công nhân cần việc làm cũng như việc làm cần họ. Công ty động viên công nhân hoàn thành các đơn hàng đã ký. Các công nhân người Hàn ở đây cũng cho hay họ sợ chết vì đói trước khi chết vì dịch", anh Xu, người đã sang Hàn làm việc 9 năm, nói.
Anh đã tích trữ 20 kg gạo, 8 kg thịt lợn, 4 con vịt và 3 cây bắp cải đủ ăn trong một tháng để hạn chế ra ngoài, đeo khẩu trang và sát trùng tay thường xuyên. "Mình còn trẻ nên muốn ở lại học hỏi và thử thách bản thân, chờ dịch bệnh qua đi", anh nói.
Hàng nghìn công dân Việt Nam ở Hàn Quốc đã về nước thời gian qua, trong đó phần lớn là du học sinh đang được nghỉ học. Nhưng không giống như nhiều bạn bè, Nguyễn Nhung , sinh viên một trường đại học ở Daegu, quyết định ở lại vì một số lý do cá nhân.
Thời gian dịch mới bùng phát, Nhung, 21 tuổi, vẫn đi làm thêm ở một quán cơm dành cho tài xế xe buýt, nhưng tuần qua, khi số ca nhiễm tăng đột biến, nữ sinh này đã xin nghỉ việc để đảm bảo an toàn.
Nhung tự cách ly trong nhà với hy vọng cuối tháng 3 được đi học trở lại, đồ ăn thức uống đã chuẩn bị đủ, nếu thiếu thì đặt hàng qua dịch vụ trực tuyến. Người chuyển hàng để đồ ngoài cửa, thanh toán qua ứng dụng để tránh tiếp xúc. Được bạn bè người Hàn hẹn đi chơi, cô cũng từ chối.
"Mọi người vẫn đi ra ngoài, một số người thậm chí không đeo khẩu trang và cho rằng Covid-19 cũng chỉ như bệnh cảm cúm thông thường", Nhung kể. "Bản thân mình ý thức được sự nguy hiểm của virus nên hạn chế ra ngoài. Ở trong nhà suốt nhiều ngày dần cũng thấy bình thường".
Một ông bố đưa con đi đạp xe ở công viên tại thành phố Daegu hôm 28/2. Ảnh: AFP |
Chủ động phòng tránh và không quá lo lắng cũng là tâm lý chung của nhiều cô dâu Việt ở lại giữa tâm dịch. Kiều Trang , 30 tuổi, một phụ nữ có chồng con tại Daegu, cho hay gia đình ở Việt Nam liên tục gọi điện sang mong cô về nước vì lo lắng trước số ca nhiễm nCoV tăng mạnh. Tuy nhiên, Trang không muốn trở về dù có một phụ nữ Việt đang sinh sống cùng chồng và hai con tại Deagu đã được xác nhận dương tính với nCoV. Nhiều cô dâu không an tâm đã đưa chồng con rời khỏi tâm dịch, một số trường hợp trốn cách ly gây tiếng xấu.
"Tôi lo ngại nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh ở sân bay và gây thêm áp lực cho lực lượng phòng chống Covid-19 ở Việt Nam. Nếu nhỡ tôi có nhiễm virus rồi về lây lan cho người thân và cộng đồng thì còn nguy hiểm hơn", Trang nói.
Những ngày qua, cô vẫn đi làm ở công ty gần nhà. Cậu con trai 8 tuổi lẽ ra nhập học lớp 1 từ tuần này nhưng trường đã đóng cửa. Chồng cô phải tạm nghỉ công việc tự do để hạn chế nguy cơ lây nhiễm nCoV, đồng thời giúp vợ trông con.
"Tôi cho rằng biện pháp tốt nhất với những người ở tâm dịch là hạn chế ra ngoài, tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang, vệ sinh sạch sẽ, ăn uống đầy đủ và giữ tinh thần thoải mái. Cơ thể khỏe mạnh, vui vẻ thì mới chống được bệnh tật", Trang nói.
Kiều Trang và con trai. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Nguyễn Thị Toàn , chuyên viên thuộc Trung tâm Gia đình Đa văn hóa ở Daegu, cho biết kể từ khi Covid-19 bùng phát mạnh, chị tiếp nhận yêu cầu tư vấn từ rất nhiều cô dâu Việt về triệu chứng của bệnh, sự khác biệt giữa Covid-19 với cảm cúm thông thường và cách khám chữa bệnh ở bệnh viện.
"Một số phụ nữ bày tỏ lo ngại về công việc khi phải nghỉ ở nhà trông con do trường học đóng cửa. Tuy nhiên, hầu hết họ không có ý định về Việt Nam tránh dịch vì có chồng ở đây và bố mẹ từ Việt Nam sang ở lại theo chế độ thăm thân", chị Toàn nói.
Trung tâm của chị Toàn đã phát khẩu trang miễn phí, hướng dẫn cách phòng ngừa virus và tiếp nhận tư vấn 24/24 về Covid-19 để họ an tâm ở lại giữa tâm dịch.
"Hàn Quốc đang nỗ lực hết sức để kiểm soát dịch bệnh. Điều này một phần phụ thuộc vào ý thức phòng ngừa của mỗi cá nhân. Tôi cho rằng không cần quá lo sợ và mọi người nên tin tưởng vào những biện pháp của chính quyền sở tại", chị Toàn nói.
Khi cần giúp đỡ, công dân Việt có thể gọi đến đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc: +82 10-6315-6618. Số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự: +84 981 84 84 84.
Anh Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét